In trang

vận dụng các phương pháp dạy học tích cực trong tổ chức các hoạt động giao dục trẻ ở trường mầm non
Cập nhật lúc : 16:50 13/10/2018

Vận dụng các phương pháp dạy học tích cực trong tổ chức các hoạt động giáo dục trẻ ở trường mầm non

 
 
 

Bản chất việc học ở trẻ em là thông qua sự bắt chước, khám phá, trải nghiệm, thực hành để hiểu về những sự vật, hiện tượng diễn ra xung quanh trẻ, đồng thời trẻ học cách biểu đạt những hiểu biết đó thông qua sự chia sẻ, trao đổi với bạn bè. Vì vậy, vai trò của giáo viên là khai thác các tình huống cũng như các vật liệu khác nhau để khuyến khích trẻ chơi, khuyến khích trẻ hoạt động cùng nhau.

Sau đây là một số vấn đề mà giáo viên cần quan tâm để vận dụng có hiệu quả các phương pháp dạy học tích cực trong tổ chức các hoạt động giáo dục trẻ đáp ứng với quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm.

Giáo viên nên giúp trẻ tận dụng tất cả các giác quan để khám phá sự vật, hiện tượng

Giáo viên nên dành thời gian cho trẻ quan sát, xem xét, phỏng đoán, so sánh, sử dụng câu hỏi gợi mở, câu hỏi kích thích trẻ tư duy nhằm dẫn dắt trẻ suy nghĩ và giúp trẻ nói lên được về những gì chúng đang nhìn thấy, giáo viên gợi ý cho trẻ chia sẻ, bày tỏ ý kiến của mình, cùng nhau trao đổi để tìm hiểu, khám phá đối tượng. Bên cạnh đó giáo viên cần tạo cho trẻ môi trường hoạt động phong phú, hấp dẫn với các đồ dùng, đồ chơi và các nguyên vật liệu khác nhau để kích thích hứng thú khám phá của trẻ.

Người giáo viên mầm non cần phải nắm vững các kỹ thuật sử dụng từng phương pháp dạy học cụ thể

Giáo viên cần thực hiện đúng yêu cầu kỹ thuật của từng phương pháp, có như thế thì mới nâng cao được hiệu quả tổ chức các hoạt động cho trẻ. Các kỹ thuật này bao gồm: Kỹ thuật chia nhóm, kỹ thuật giao nhiệm vụ, kỹ thuật đưa ra tình huống có vấn đề, kỹ thuật đặt câu hỏi... Cụ thể về kỹ thuật đặt câu hỏi thì giáo viên cần chú ý tới một số yêu cầu như sau: Câu hỏi phải liên quan trực tiếp đến việc thực hiện mục tiêu bài học; câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng dễ hiểu; đúng lúc, đúng chỗ; phù hợp với trình độ của trẻ; câu hỏi phải kích thích sự suy nghĩ của trẻ nhằm khuyến khích sự phát triển nhận thức và ngôn ngữ của trẻ, giáo viên không ghép nhiều nội dung trong một câu hỏi, không hỏi nhiều vấn đề cùng một lúc, trẻ sẽ trả lời dễ dàng hơn với các câu hỏi đơn nghĩa, rõ ý.

Cần khai thác và vận dụng các phương pháp dạy học tích cực một cách khoa học

 Để thực hiện tốt điều này thì trong từng phương pháp dạy học cụ thể giáo viên cần phải chú ý một số nội dung như sau:

Phương pháp thảo luận nhóm. Có rất nhiều cách khác nhau để chia nhóm tuy nhiên, không nên chia nhóm trẻ quá đông hoặc quá ít, nội dung thảo luận của các nhóm có thể giống hoặc khác nhau. Cần quy định rõ thời gian thảo luận và kết quả thảo luận cho các nhóm, cần bầu ra trưởng nhóm, kết quả thảo luận nhóm có thể được trình bày bằng nhiều hình thức như: vẽ, hát, đóng kịch, thơ…Giáo viên cần quan sát các nhóm thảo luận và có sự giúp đỡ kịp thời trong trường hợp các nhóm gặp khó khăn.
 

Đối với phương pháp dạy học giải quyết vấn đề thì giáo viên cần thực hiện đúng theo quy trình các bước như sau: Xác định, nhận dạng vấn đề hoặc tình huống; thu thập thông tin có liên quan đến vấn đề hoặc tình huống đặt ra; liệt kê các cách giải quyết có thể có; phân tích, đánh giá kết quả từng cách giải quyết (tích cực, hạn chế, cảm xúc, giá trị); so sánh kết quả các cách giải quyết; lựa chọn cách giải quyết tối ưu nhất; thực hiện theo cách giải quyết đã lựa chọn; rút kinh nghiệm cho việc giải quyết những vấn đề, tình huống khác.

 Đối với phương pháp đóng vai thì việc “diễn" không phải là phần chính của phương pháp này mà điều quan trọng là giáo viên giúp trẻ tham gia thảo luận sâu sau phần tham gia vào vai diễn ấy.

Để sử dụng phương pháp trò chơi đạt hiệu quả thì giáo viên nên chọn những trò chơi dễ tổ chức và thực hiện, trò chơi phải phù hợp với chủ đề, với đặc điểm và trình độ của trẻ, phù hợp với quỹ thời gian, với hoàn cảnh, điều kiện thực, trẻ phải nắm được quy tắc chơi và phải tôn trọng luật chơi, trò chơi phải tạo được sự hứng thú và vui thích của trẻ.

 Khi sử dụng phương pháp dạy học khám phá giáo viên nên lựa chọn nội dung vấn đề hoặc tình huống đảm bảo tính vừa sức đối với trẻ, chuẩn bị đồ chơi, đồ dùng trực quan và những điều kiện cần thiết để trẻ tự tìm tòi khám phá, tổ chức cho trẻ làm việc cá nhân, làm việc theo nhóm; khuyến khích trẻ tự tìm tòi khám phá, đưa ra các phát hiện, cách giải quyết có thể; liệt kê các cách giải quyết có thể có; phân tích, đánh giá kết quả mỗi cách giải quyết của cá nhân trẻ, của nhóm trẻ; lựa chọn cách giải quyết tối ưu nhất; kết luận về nội dung của vấn đề, làm cơ sở cho trẻ tự kiểm tra, tự điều chỉnh; rút kinh nghiệm cho việc giải quyết những vấn đề, tình huống khác.

Đối với phương pháp dạy học trải nghiệm thì giáo viên nên tổ chức cho trẻ thực hiện đủ bốn bước: quan sát; suy nghĩ (tâm trí); Cảm nhận (cảm xúc); Hành động (cơ bắp). Để học hiệu quả, trẻ cần phải: tiếp nhận thông tin, suy ngẫm xem nó sẽ tác động đến cuộc sống của trẻ em như thế nào, so sánh mức độ phù hợp của nó với những trải nghiệm của trẻ em thế nào và suy nghĩ xem từ thông tin đó trẻ em sẽ có những cách hành xử mới nào. Việc học tập đòi hỏi không chỉ có nhìn, nghe, chuyển động hay động chạm. Trẻ cần biết kết hợp những gì trẻ cảm giác và suy nghĩ được với những gì trẻ cảm nhận và ứng xử.
 

Phương pháp động não khi sử dụng đối với trẻ mầm non thì giáo viên nên hướng dẫn trẻ cách trả lời những câu hỏi ngắn, có khi chỉ cần một từ. Tất cả ý kiến của trẻ đều cần được giáo viên khích lệ, thừa nhận. Đặc biệt, không phê phán các câu trả lời của trẻ và luôn khen ngợi trẻ đúng lúc. Cuối giờ thảo luận cần nhấn mạnh kết quả có được là thành quả của cả nhóm hoặc của tất cả các thành viên trong nhóm.

Làm thế nào để vận dụng có hiệu quả phương pháp dạy học theo dự án? Đây là một phương pháp dạy học rất có ý nghĩa đối với trẻ, tuy nhiên trong thực tế thì phương pháp này ít được giáo viên sử dụng. Các dự án thường xuất hiện từ các câu hỏi của trẻ. Dự án được thực hiện bởi một trẻ hoặc một nhóm trẻ em (4-6 thành viên) để trải nghiệm và khám phá các vấn đề, câu hỏi, vấn đề và thách thức có liên quan. Thời gian thực hiện dự án thường phải mất vài tuần để hoàn thành - và đôi khi lâu hơn nữa, tùy thuộc vào độ tuổi và sở thích của trẻ. Phương pháp dạy học theo Dự án được tổ chức thành 3 giai đoạn:

+ Giai đoạn 1: Thử hứng thú của trẻ

Ngay từ khi bắt đầu dự án, giáo viên quan tâm đến chủ đề thông qua việc khuyến khích trẻ chia sẻ những câu chuyện cá nhân có liên quan. Khi trẻ có hiểu biết hiện tại về chủ đề nào đó, từ đó giáo viên đánh giá xem mức độ hiểu biết của trẻ như thế nào và giúp trẻ xây dựng các câu hỏi mà trẻ có thể tìm hiểu.

+ Giai đoạn 2: Hoạt động khám phá

Cho phép trẻ đi thực địa, phỏng vấn những người trưởng thành, những nhà chuyên môn giỏi. Trẻ em có thể xem sách, mạng Internet qua sự hỗ trợ của người lớn, Video… Sau đó trẻ sử dụng nhiều hình thức để minh họa những gì trẻ đã học được và chia sẻ kiến ​​thức mới với bạn.

+ Giai đoạn 3: Đánh giá kết quả và những điều trẻ đã học được

Giáo viên hướng dẫn kết luận và giúp trẻ xem lại thành quả của mình. Trẻ chia sẻ công việc của mình với cha mẹ, với một lớp học khác. Đánh giá của giáo viên về những gì trẻ đã học được thông qua dự án. Sau đó trẻ tạo ra các bài thuyết trình và sản phẩm để chia sẻ những gì trẻ đã nghiên cứu, tìm hiểu. Kết thúc dự án sẽ cho ra sản phẩm như là: Poster, mô hình, bài báo cáo, vật thật, …

Như vậy, các phương pháp dạy học tích cực trong giáo dục mầm non không phải là một phương pháp hoàn toàn mới, mà chính là sự kế thừa và phát huy tối đa những ưu điểm và khả năng có sẵn của các phương pháp dạy học truyền thống. Việc sử dụng và phối hợp một cách khéo léo, hợp lý các phương pháp dạy học khác nhau sẽ phát huy tính tích cực và sự hợp tác của đứa trẻ. Tùy thuộc vào đặc điểm tiếp nhận kiến thức của trẻ mà giáo viên lựa chọn phương pháp tiếp cận cho phù hợp. Để thực hiện tốt các phương pháp dạy học tích cực thì giáo viên phải được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn về nội dung này, thường xuyên rèn luyện cho mình kỹ năng ứng xử các tình huống sư phạm thật tinh tế và linh hoạt, sử dụng thành thạo các trang thiết bị dạy học hiện đại, biết định hướng sự phát triển của trẻ theo mục tiêu giáo dục nhưng cũng đảm bảo sự tự do của trẻ trong các hoạt động giáo dục khác./.

Tài liệu tham khảo
  Bộ Giáo dục và Đào tạo (2017), Chương trình Giáo dục mầm non,Nxb Giáo dục Việt Nam. Nguyễn Thị Cẩm Bích (2013), Phương pháp dạy học tích cực trong giáo dục mầm non - module 20, tài liệu bồi dưỡng thường xuyên dành cho giáo viên
mầm non. Phó Đức Hòa (2008), Dạy học tích cực và cách tiếp cận trong dạy học Tiểu học, Nxb Đại học Sư phạm. Trần Thị Hương (2012), Dạy học tích cực, Nxb Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Hoàng Thị Thu Hương (2013), Ứng dụng phương pháp dạy học tích cực trong lĩnh vực phát triển nhận thức - module 22, tài liệu bồi dưỡng thường xuyên dành cho giáo viên mầm non.  Nguyễn Kỳ (1996), Mô hình dạy học tích cực lấy người học làm trung tâm, Trường Cán bộ quản lý Giáo dục Đào tạo I. Nguyễn Thị Ánh Tuyết (2014), “Thực trạng vận dụng các phương pháp dạy học tích cực vào hoạt động dạy học cho trẻ 5-6 tuổi tại một số trường mầm non quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh”, Luận văn Thạc sỹ khoa học Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.
Nguyễn Ngọc Hoàng Trang
Phòng Giáo dục Mầm non
                                                          Sở Giáo dục và Đào tạo Tiền Giang