In trang

Bài viết của phụ huynh 1
Cập nhật lúc : 16:13 22/08/2013

7 lời khuyên dành cho phụ huynh có con sắp vào tiểu học

 
Khi con khóc lóc đòi bố mẹ ở lại cùng trong ngày đầu đến trường, bạn nên dứt khoát tạm biệt.  
 

Ở Mỹ, mẫu giáo là một phần của hệ thống giáo dục K-12. Ở hầu hết trường công lập và tư thục, trẻ vào tiểu học từ 5 tuổi, trải qua năm đầu tiên ở lớp mẫu giáo. Trong thời gian này, trẻ học các phép cộng trừ cơ bản và tham gia nhiều hoạt động ở ngoài trời.

Do đó, ngày đầu tiên ở lớp mẫu giáo là sự kiện quan trọng của trẻ và của cả bố mẹ, đánh dấu bước chuyển từ mầm non lên hệ tiểu học. Dù rất vui với cột mốc quan trọng của con, một số phụ huynh đối mặt với nhiều nỗi lo lắng và sợ hãi.

Huffington Post ngày 16/8 tổng hợp ý kiến của những người đã trải qua và lời khuyên để mọi chuyện diễn ra suôn sẻ.

Đừng lộ rõ vẻ lo lắng

Không ai có thể đổ lỗi cho cha mẹ vì lo lắng trước ngày con vào mẫu giáo. Nhưng nếu trẻ phát hiện ra điều này, chúng có thể lo lắng theo.

Melanie Dale, blogger chuyên viết về nuôi dạy trẻ cho biết, cô vốn rất yêu trường học khi còn nhỏ nên cố gắng giữ thái độ tích cực để cả gia đình háo hức về trải nghiệm sắp tới của con.

"Một năm trước khi con trai tôi đi học, khi thấy thằng bé nhìn các anh chị lớn hơn chuẩn bị cho năm học mới, tôi reo lên, Năm tới sẽ đến lượt con đấy!

Tôi mua cho nó một chiếc balo nhỏ để đeo vào và chạy quanh nhà. Cả năm đó nó luôn hào hứng về chuyện đi học", Melanie kể.

Bên cạnh đó, nếu trẻ tỏ ra sợ hãi, phụ huynh nên trò chuyện để xử lý mối lo ngại. Thay vì chỉ nói câu "Đừng lo lắng", bạn hãy tôn trọng cảm xúc của trẻ, lắng nghe trẻ nói và xác nhận cảm xúc đó là bình thường.

7 loi khuyen danh cho phu huynh co con sap vao tieu hoc

Cảm xúc của trẻ trong ngày đầu đi học phụ thuộc nhiều vào cách dẫn dắt của phụ huynh. Ảnh: Mumzstreet

Xây dựng sự tự tin cho trẻ trước khi đến trường

Laura Fuentes, chủ website MOMables - cung cấp kế hoạch dinh dưỡng cho cả gia đình, vừa trải nghiệm cảm giác đưa con út đi học mẫu giáo. Đối với bà mẹ này, việc giúp con tự tin là rất quan trọng, để chúng có thể thoải mái chia sẻ suy nghĩ của bản thân trong lớp học.

"Hãy dạy trẻ lên tiếng khi cần thứ gì đó hoặc thắc mắc một vấn đề, cách kết bạn và trò chuyện với bạn mới. Sự tự tin giúp trẻ điều chỉnh các kỹ năng xã hội khác", cô nói.

Laura đề nghị phụ huynh dạy con thực hành nói to và rõ ràng, cho chúng quyền lựa chọn ở những việc phù hợp với lứa tuổi như chọn quần áo để mặc hay đồ ăn cho bữa sáng, nhằm tăng sự tự tin.

Tìm hiểu trường và đề nghị đến tham quan

Theo tác giả và diễn giả Eugene Hung, nếu muốn chuẩn bị tốt hơn, phụ huynh có thể tìm hiểu về các trường trong khu vực từ sớm. Anh và vợ tìm những trường mầm non có thể dạy các con kỹ năng quan trọng về mặt cảm xúc, giúp con yêu thích việc đi học. Sau đó, họ mới nghiên cứu về chương trình mẫu giáo trong trường tiểu học, để ý đến danh tiếng về học thuật.

Để dễ lựa chọn, anh quyết định đi tham quan các trường để cảm nhận rõ về nơi con sẽ dành cả ngày ở đó.

Chuẩn bị tâm lý cho khoảnh khắc chia tay con

Do con gái không đi học ở trường mầm non, Christa Carter-Williams, blogger về nuôi dạy con, muốn nói một cách thực tế về những thay đổi mà con sắp phải đối mặt khi vào mẫu giáo, nhưng biến chúng thành điều tích cực.

"Tôi nói rằng con sẽ không ở bên mẹ cả ngày nữa đâu, nhưng con sẽ dành thời gian với nhiều bạn khác, việc đó sẽ vui lắm đấy", cô nói.

Doyin Richards, ông bố hai con và là tác giả sách thiếu nhi, khuyên phụ huynh chuẩn bị tâm lý cho khoảnh khắc chia tay con ở trường.

"Trước khi buổi học bắt đầu, hãy cho con biết rằng bố mẹ luôn hỗ trợ và yêu con rất nhiều. Nhưng đồng thời bạn phải dứt khoát tạm biệt nếu thấy con khóc lóc xin bố mẹ ở lại cùng.

Tôi đã thấy nhiều phụ huynh ngồi cùng con ở lớp vào ngày đầu tiên để chúng nín khóc, nhưng việc đó không có tác dụng gì cả. Con bạn sẽ sớm ổn thôi. Phương châm của tôi là đừng lo lắng nếu con khóc khi bạn đưa tới trường, hãy lo lắng nếu con khóc khi bạn đến đón về", Richards chia sẻ.

Tìm kiếm sách thiếu nhi

Sách thiếu nhi là nguồn tài nguyên hữu ích để giải thích trải nghiệm ở lớp mẫu giáo cho trẻ. Buổi tối, trước khi đi ngủ, phụ huynh có thể đọc sách về chủ đề này cho con và cùng thảo luận.

Phyllis Myung, chủ nhân blog nổi tiếng The Napkin Hoarder, còn tìm kiếm nhiều lời khuyên hữu ích từ bạn bè hay các blog trên mạng. Cô tâm đắc khi đọc bài viết nhắn nhủ trẻ về tầm quan trọng của lòng tốt và sự cảm thông trước khi bắt đầu đi học.

Biến ngày đầu tiên trở nên đặc biệt

Carter-Williams luôn lẩm nhẩm kế hoạch về ngày đầu đi học của con để mọi chuyện diễn ra suôn sẻ. Cô chuẩn bị bữa trưa với các món mà con yêu thích, giấu mảnh giấy nhắn hài hước trong hộp cơm.

Trong khi đó, Myung nấu một bữa tối đặc biệt cho gia đình trước ngày con vào tiểu học, dậy từ rất sớm vào sáng hôm sau để có nhiều thời gian chuẩn bị. Cô và con gái chọn trang phục cùng nhau. Myung cũng nghỉ làm một ngày để đón con và đưa con đi chơi sau khi tan học.

Đừng quên để ý đến cảm xúc của bản thân

Bạn cần nhớ rằng không chỉ trẻ mới trải qua cảm xúc phức tạp khi sắp vào tiểu học, bạn cũng cần đối đãi tốt với bản thân. Để giữ cho mình không hồi hộp và lo lắng thái quá về ngày đầu của con ở trường tiểu học, Myung gặp gỡ bạn bè để tinh thần được thoải mái.

Tương tự Myung, Dale nghỉ làm và dành thời gian xem phim cùng chồng, việc hai người hiếm có thời gian tận hưởng khi bận rộn chuyện con cái.

Quan sát trẻ

"Có rất nhiều câu hỏi thú vị dành cho con, bắt đầu từ câu Ngày hôm nay của con thế nào?

Khi trò chuyện thường xuyên, bạn sẽ dễ phân tích để biết mọi thứ có đang diễn ra bình thường hay không. Nếu mọi thứ không ổn, hãy tin vào trực giác của bạn và lên tiếng để giải quyết vấn đề", Myung khuyên.

Tuy nhiên, đôi khi phụ huynh cần giữ kiên nhẫn một chút và quan sát thêm. Trẻ em kiên cường hơn bố mẹ nghĩ, chúng chỉ cần được hỗ trợ và khuyến khích để vượt qua mọi thử thách.