Bài viết chuyên môn
MỘT SỐ KINH NGHIỆM DÀNH CHO GIÁO VIÊN MẦM NON KHI TRANG TRÍ LỚP HỌC
MỘT SỐ KINH NGHIỆM DÀNH CHO GIÁO VIÊN MẦM NON
KHI TRANG TRÍ CÁC GÓC TRONG LỚP HỌC THEO CHUYÊN ĐỀ " XÂY DỰNG MÔI TRƯỜNG LẤY TRẺ LÀM TRUNG TÂM"
Trường học thân thiện của lứa tuổi Mầm non là nơi không chỉ tạo điều kiện, cơ hội an toàn cho trẻ vui chơi, học tập mà còn là môi trường sống lành mạnh, an toàn, nơi đó trẻ phải được đối xử công bằng, được quan tâm chăm sóc, giáo dục, được bảo vệ và tích cực tham gia vào quá trình học tập thể phát triển nhận thức một cách toàn diện. Vì vậy việc tạo môi trường thân thiện, an toàn, lành mạnh trong lớp học mầm non là một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực. Trong thực tế, ở trường chúng tôi từ những năm học trước, khi mới phát động phong trào, các giáo viên trường tôi cũng đã trang trí môi trường lớp học của mình sao cho trẻ vừa cảm nhận được sự thân thiện, vừa kích thích trẻ hoạt động. Song môi trường đó vẫn mang tính chất là tạo được môi trường đẹp cho lớp học, nhưng chưa thực sự đầy đủ các yếu tố tích cực cho trẻ hoạt động. Các giáo viên trang trí lớp học của mình nhiều hình ảnh, đồ dùng đồ chơi đẹp ở các góc nhưng trẻ lại không thực sự được tự mình hoạt động với những đồ dùng, đồ chơi đó. Do đó không kích thích được khả năng tư duy, sáng tạo của trẻ.
Để tạo môi trường lớp học thân thiện cho trẻ cô nên trang trí các mảng hoạt động bằng những hình ảnh, những hoạt động thiết thực của trẻ ở trường mầm non. Để lôi quấn thu hút trẻ hoạt động với những mảng trang trí đó cô nên tự mình lựa chon gam màu phù hợp, cách trang trí khoa học bằng những hình ảnh gần gũi trong cuộc sống hàng ngày để kích thích tính tích cực của trẻ. Cũng có cách trang trí khác nhau nhưng giáo viên nên lựa chọn kiểu trang trí vừa đơn giản, dễ hiểu, lại vừa gần gũi với trẻ, không những giúp trẻ nhận biết về thời gian mà còn giúp trẻ ghi nhớ được thời gian của từng hoạt động trong ngày. Tất cả những mảng trang trí cần được bố trí, sắp xếp để ở các vị trí hợp lý cho trẻ dễ thấy, dễ hoạt động với các mảng tường đó. Với màu sắc trang trí hài hòa, dễ hiểu, đơn giản mà lại lôi cuốn trẻ, tạo cho trẻ có cảm giác thoải mái, thân thiện như ở gia đình mình. Nên sử dụng phương pháp trang trí chủ đề và các góc chơi bằng chính sản phẩm của trẻ. Giáo viên tận dụng các sản phẩm của trẻ để trang trí chủ đề hoặc vào các góc chơi trong lớp học. Tuy nhiên những hình ảnh trang trí đó phải đảm bảo vừa tầm mắt quan sát của trẻ để trẻ có thể giao lưu, trò chuyện về sản phẩm của bạn và của mình. Từ đó cũng tạo cho trẻ những mối quan hệ thân thiện giữa trẻ với trẻ, giúp trẻ ngày càng thêm gắn bó, gần gũi, đoàn kết với các bạn trong lớp. Việc bố trí, sắp xếp các góc chơi: Các góc chơi phải bố trí, sắp xếp phù hợp, linh hoạt để trẻ dễ lấy, dễ quan sát. Đặt tên các góc phải đơn giản, dễ hiểu, gần gũi với trẻ và phải thay đổi nội dung phù hợp với từng chủ đề. Các góc có khoảng rộng cách nhau hợp lý để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ và vận động của trẻ. Phải tạo ranh giới giữa các góc hoạt động. Ranh giới các góc không che tầm nhìn của trẻ và không cản việc quan sát của giáo viên. Thay đổi vị trí các góc sau mỗi chủ đề để tạo cảm giác mới lạ, kích thích hứng thú cho trẻ.Góc đồ chơi phải phục vụ thật sự cho việc học hỏi của trẻ, chứ không phải để trang trí. Trẻ phải được tự học theo hứng thú cá nhân và tổ chức hoạt động vui chơi, tự lựa chọn đồ chơi yêu thích cho mình, trẻ có thể tự hoạt động mà không cần sự hướng dẫn của cô giáo, Vì vậy các đồ dùng, đồ chơi trong các góc phải phong phú và được sắp đặt vừa tầm với trẻ để trẻ tự lấy, tự cất, tự hoạt động. Các đồ dùng, đồ chơi trong lớp phải đảm bảo an toàn cho trẻ, được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp không xa cách, tạo cho trẻ một tâm thế vui vẻ và hứng thú tham gia các hoạt động trong lớp. Sự thân thiện với môi trường trong lớp chính là tạo cho trẻ sự gần gũi. Nếu bước vào một lớp học rất đẹp nhưng trẻ không thấy được sự gần gũi, không dám sờ mó vào bất kỳ thứ gì, hoặc không được xê dịch mọi thứ thì không thể tạo được môi trường tích cực và thân thiện với trẻ. Vì vậy việc trang trí, sắp xếp các góc làm sao cho trẻ dễ dàng hoạt động cũng là một yếu tố tạo sự gần gũi thân thiện đối với trẻ. Ngoài ra có thể bố trí một hoặc hai góc chơi ra ngoài như góc khám phá, góc chơi dân gian để trẻ hoạt động không bị ảnh hưởng đến các góc chơi khác.Sau đây là 1 số hình ảnh trang trí các góc trong lớp mà giáo viên nên học tập: